TP. HCM sơ tán người dân tránh bão

TP. HCM sơ tán người dân tránh bão

Sáng sớm nay (2/11/2017), áp thấp nhiệt đới trên vùng biển phía Nam Cà Mau – Bạc Liêu đã suy yếu. Trong khi đó, áp thấp mới đã vào biển Đông, sắp mạnh lên thành bão.

Theo thông tin từ Trung tâm khí tượng và thủy văn Trung ương, sáng sớm nay 2/11, áp thấp nhiệt đới trên vùng biển phía Nam Cà Mau – Bạc Liêu đã suy yếu thành một vùng áp thấp với sức gió dưới cấp 6 (dưới 40 km/h). Dự báo trong 24 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển theo hướng Tây với tốc độ 10-15 km và suy yếu thêm.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh, các tỉnh Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa có nguy cơ xảy ra một đợt mưa đặc biệt lớn và kéo dài trong nhiều ngày. Nguy cơ lũ, lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và ngập lụt trên diện rộng ở vùng trũng, đô thị thuộc các tỉnh nói trên là rất cao.

Nam Bộ tiếp tục có mưa, riêng miền Tây Nam Bộ mưa vừa, mưa to.


Áp thấp nhiệt đới trên vùng biển Nam Cà Mau đã suy yếu nhưng vẫn gây mưa lớn
Áp thấp nhiệt đới trên vùng biển Nam Cà Mau đã suy yếu nhưng vẫn gây mưa lớn

Cùng thời gian này, một vùng áp thấp nhiệt đới trên biển Đông đang mạnh dần lên và có nguy cơ trở thành thành bão số 12. Lúc 4h sáng nay tâm áp thấp nhiệt trên biển Đông còn cách đảo Song Tử Tây khoảng 380 km về phía Đông Đông Bắc với gió mạnh cấp 7 (60 km/h), giật cấp 9.

Đến 4 giờ sáng mai (ngày 3/11), vị trí tâm bão ở vào khoảng 12,3 độ Vĩ Bắc; 113,7 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Bắc quần đảo Trường Sa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11.

Hiện tại, UBND TP.HCM đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị khẩn trương triển khai các phương án, biện pháp phòng, tránh, ứng phó với cơn bão số 12 nếu đổ bộ vào Sài Gòn.

Tại các quận huyện, phường xã, thị trấn, UBND TP. HCM yêu cầu triển khai ngay phương án chi tiết để huy động vật tư, phương tiện, các lực lượng giúp nhân dân chằng chống nhà cửa chắc chắn, sơ tán, di dời dân đến nơi an toàn. Đảm bảo cung cấp các dịch vụ hậu cần trước hết là lương thực, nhu yếu phẩm, nước sạch, ánh sáng, thuốc men, phòng ngừa dịch bệnh tại nơi tạm cư.

UBND TP giao Sở GTVT dự phòng huy động phương tiện vận tải đường bộ, đường thủy để đáp ứng yêu cầu di chuyển dân cư, lực lượng cứu hộ, cứu nạn khi áp thấp nhiệt đới đổ bộ, ngập lụt.

Do mưa lớn có thể xảy ra ở khu vực Nam Bộ kết hợp với mực nước triều trên sông Sài Gòn – Đồng Nai đang lên cao có khả năng vượt mức báo động 3 (hơn 1,5m) nên UBND thành phố cũng yêu cầu các địa phương chủ động phòng, tránh tổ hợp bất lợi (áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn và triều cường) nhằm giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn gây ra.

TP HCM sơ tán người dân tránh bão

Sẵn sàng sơ tán người dân khi áp thấp mạnh thành bão tiến vào Sài Gòn

Trên biển, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng cùng với UBND huyện Cần Giờ, Sở NN&PTNT thực hiện phương án đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền hoạt động thủy sản, thông báo cho chủ các phương tiện biết vị trí, tốc độ, hướng di chuyển, diễn biến của áp thấp nhiệt đới, kêu gọi tàu thuyền thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm. Đồng thời thông báo cấm tàu thuyền hoạt động đánh bắt, đò ngang, đò dọc, tàu du lịch, tàu cánh ngầm, tàu nhà hàng xuất bến ra khơi hoạt động trong thời gian này.

UBND huyện Cần Giờ chuẩn bị sẵn sàng phương án sơ tán dân xã đảo Thạnh An và các hộ dân có nhà ở đơn sơ, tạm bợ ven sông biển đến các địa điểm kiên cố ngay khi có lệnh của UBND TP. Đặc biệt, việc di tản người già, trẻ em, phụ nữ có thai, người tàn tật…phải đảm bảo tuyệt đối an toàn.

Tổng hợp

 TRINH TRINH – Theo thethaovanhoa.vn